Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0974.341.588

Kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 – 27/01/2023)

Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris) được ký kết, kết thúc thắng lợi Hội nghị Paris – cuộc đấu tranh ngoại giao lâu dài và cam go nhất trong lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thế kỉ XX.

Trước tình hình Mỹ ngày càng leo thang, dấn sâu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Nhân dân ta đã kiên cường chống lại đế quốc Mỹ xâm lược, không quản hy sinh, gian khổ. Đáp lại những nỗ lực đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân dân ta thắng lợi đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, là “môt sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”, từ đây Mỹ đã tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán chính thức diễn ra tại Paris giữa hai bên là đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Xuân Thủy và đoàn đại biểu Việt Nam tại cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ về hòa bình tại Việt Nam, Paris, ngày 13/5/1968 (Nguồn: Bảo tàng Thanh Hóa)

Ngày 25/01/1969, Hội nghị Paris họp với sự có mặt của 4 bên là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) và Hoa Kỳ.

Trong thời gian này, trên chiến trường, cả Việt Nam và Mỹ đều tìm mọi cách để giành thắng lợi quyết định về quân sự, nhằm thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực trên bàn đàm phán nhưng chưa đạt kết quả. Năm 1972, Mỹ thất bại trong trận “Điện Biên Phủ trên không” và buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 27/01/1973, Hiệp định được ký kết chính thức tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế phố Kleber ở Paris (Pháp) giữa 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Hoa Kỳ; Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp (Ảnh:TTXVN)

Bản Hiệp định Paris về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung chủ yếu của Hiệp định nêu rõ:

  • Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
  • Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.
  • Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các bên công nhận thực tế ở  miền Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát, 3 lực lượng chính trị.
  • Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.
  • Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.
  • Hoa Kỳ có trách nhiệm vớt hết bom mìn, thủy lôi đã thả ở miền Bắc Việt Nam, cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, thiết lập quan hệ bình thường cùng có lợi với Việt Nam.

Ngày 28/1/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành.

Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Điều làm nên thắng lợi của hiệp định Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng; là ý chí kiên cường bất khuất, bền bỉ bảo vệ chân lý và độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; bên cạnh đó còn thể hiện trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt quân sự, chính trị và ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Đây cũng là bước ngoặt lịch sử kết hợp thành công sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của ta, tạo ra cục diện có lợi để thực hiện mục tiêu “đánh cho Ngụy nhào”, là tiền đề cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam vào năm 1975.

Không chỉ là thắng lợi to lớn của chỉ riêng Việt Nam mà Hiệp định Paris cùng việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng Lào và Campuchia, mở ra một giai đoạn mới cho khu vực Đông Nam Á – giai đoạn hòa bình ổn định để cùng nhau phát triển phồn thịnh. Đồng thời, đây còn là minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của Nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Các bài học của hội nghị Paris là hành trang quý giá để chúng ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, sau hơn 35 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khóa XII gần đây, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt đẹp, vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới từ đó ngày càng được nâng cao. Và tiếp tới đây, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc đi kèm với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Chúng ta luôn tin tưởng và kỳ vọng rằng bằng việc phát huy tinh thần Hội nghị Paris, công tác đối ngoại nhất định sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

Có thể thấy ôn lại lịch sử và truyền thống chính là để chúng ta sống xứng đáng với thế hệ cha ông, để hành động có trách nhiệm hơn trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Với tư cách là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ta cần ra sức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, chủ động thích ứng trước sự chuyển biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Trần Ánh Nguyệt – CLB Lý luận trẻ



Tags:


Bài viết khác

Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2024 - Vì một cộng đồng sạch ma tuý

Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2024 - Vì một cộng đồng sạch ma tuý

Ma túy được coi là tệ nạn đáng sợ vì sức dẫn dụ con người không kể tuổi tác với khả năng gây nghiện

12/08/2024

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức tập huấn - Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho viên chức, người lao động, sinh viên năm 2023

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức tập huấn - Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho viên chức, người lao động, sinh viên năm 2023

 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã diễn ra Chương trình Tập huấn - Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH

20/07/2024

Ứng dụng truyền thông hiện đại trong hoạt động thanh thiếu nhi

Ứng dụng truyền thông hiện đại trong hoạt động thanh thiếu nhi

Nhằm trang bị, bổ sung giải pháp cho cán bộ Đoàn các cấp trong việc nâng cao kỹ năng truyền thông hiện đại và xây dựng

25/09/2024

Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”

Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn

20/09/2024

Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông trên nền tảng số, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông trên nền tảng số, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi “Rẻo

28/06/2024