Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0974.341.588

Đền Hùng và Giỗ tổ Hùng Vương

ừ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng đã có công dựng nên Nhà nước đầu tiên trong lịch sử, là tổ tiên chung của toàn dân tộc. Mọi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Lạc Hồng”. Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng là một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt, là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình các dân tộc Việt Nam mà đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, trước bao biến thiên khắc nghiệt, Đền Hùng vẫn giữ được đường nét cổ kính, nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang bản sắc dân tộc, hàm chứa nội dung huyền thoại hoà lẫn với hiện thực của dòng chảy lịch sử, làm giàu truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Quá trình thờ cúng, tổ chức lễ hội và kiến trúc đền Hùng:


1. Hàng năm vào mùng 10/3 âm lịch, đồng bào từ khắp mọi miền trong cả nước về Đền Hùng trẩy hội, thắp hương thành kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công đức to lớn của các Vua Hùng dựng nước. Đền Hùng và lễ hội Hùng Vương đã trở thành biểu tượng, điểm hội tụ ý chí cộng đồng người Việt Nam với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
 
Từ xa xưa, tổ tiên ta đã xây dựng Đền Hùng và tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương với tính chất dân gian: Đền Hùng do thôn Vi, thôn Trẹo (xã Hy Cương) xây dựng; tổ chức lễ hội làng He với các diễn xướng dân gian khá phong phú, độc đáo: lấy tiếng hú, chạy địch, trình voi, ngựa và vui nhất là rước chúa gái, trò bách nghệ khôi hài.
 
2. Khi đất nước giành được độc lập vào thế kỷ thứ 10, Vua Đinh Tiên Hoàng đã chính thức cho viết thần tích vào năm Thiên Phúc Nguyên niên. Việc xây dựng kiến trúc và tổ chức lễ hội được duy trì hoàn thiện hơn. Đến thời Lý Trần, Đền Hùng là một khu di tích khá đẹp, do làng Cổ Tích xây dựng nên. Trong một hố thám sát tại làng Cổ Tích đã tìm thấy những bát đĩa men ngọc giai đoạn Lý Trần và cả lon đựng sơn.
 
3. Bằng lịch sử và khảo cổ học đã khẳng định làng Cổ Tích và Đền Hùng đã bị giặc Minh tàn phá. Sau khi giải phóng đất nước, nhà Lê một lần nữa khẳng định vị trí của đền Hùng, cử Lễ bộ Thượng thư thị sát cụ thể và phong làng Cổ Tích là Dân tưởng tạo lệ, cho miễn thuế, phu phen, tạp dịch để trông nom lăng miếu Vua Hùng. Viết lại thần tích vào năm Hồng Đức nguyên niên - sao lại năm Hoằng định nguyên niên (1600).
 
Hơn thế, hàng năm các chức sắc của xã cứ đến tháng giêng về triều đình, nhà Vua ban cho ba đấu gạo nếp và một quan tiền để làm lễ ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
 
Ngoài nghi lễ còn mở hội đông vui nên đã có câu:
 
Sơn Tây vui nhất chùa Thầy.
 
Vui thì vui gậy chẳng tầy hội He.
 
Hội He tức là Hội làng Hy Cương, hội Đền Hùng và kiến trúc bắt đầu từ thời Lê đã có quy mô to lớn. Đất nước thái bình, dân cư thịnh vượng từ một làng - làng Trẹo - đổi thành Triệu Phú tách ra làm 3 làng: làng Vi, làng Cả và Triệu Phú. Do vậy ở Đền Hùng cũng tách thành ba đền: đền Trung có sớm nhất, vẫn do thôn Triệu Phú trông coi; làng Cả lập đền Thượng và xây lăng; làng Vi làm đền Hạ, xóm Phân Trà làm đền Giếng và làng Cả làm chùa (ở vị trí hiện nay).
 
Kiến trúc ở đền Hùng sớm nhất từ thời Lý Trần và được tôn tạo nhiều thời kỳ đến nay, có một kiến trúc khá cổ là gác chuông thời hậu Lê, còn chủ yếu kiến trúc Nguyễn. Với tấm lòng tôn kính các Vua Hùng, nhiều nơi trong nước thờ tự, riêng ở Vĩnh Phú có hơn 600 nơi thờ các Vua Hùng và vợ con tướng lĩnh thời Hùng Vương. Trong kháng chiến, một số đồng bào di cư vào Nam đã lập đền thờ ở gần khắp các vùng miền Nam như: Thảo Cầm Viên (thành phố Hồ Chí Minh), Bà Rịa-Vũng Tàu, Bảo Lộc (Lâm đồng) và cả ở rừng đước Minh Hải. Vua Hùng được đưa sang thờ ở Paris (Pháp) và bang California (Mỹ) do Việt Kiều về xin đất và chân hương ở Đền Thượng đem sang thờ.
 
4. Để hiểu được truyền thống tâm linh của dân tộc bằng khoa học, các ngành: lịch sử, khảo cổ, dân tộc... đã phối hợp và chứng minh được thời đại Hùng Vương là có thật và Vĩnh Phú là Bộ Văn Lang, xưa là cái nôi của thời dựng nước. Với các di chỉ khảo cổ học: Phùng Nguyên-Đồng Đậu, Gò Mun-Làng Cả, Gò De... đủ kết luận Vĩnh Phú xưa là địa bàn chủ yếu của nước Văn Lang, là Bộ Văn Lang với 67 địa điểm khảo cổ học được phát hiện đủ chứng minh là địa bàn gốc. Với các hội đám, tục lệ thờ cúng, các câu chuyện truyền thuyết, dân gian đã đủ sức thuyết phục vùng Việt Trì xưa là kinh đô Văn Lang và từ đó các Vua Hùng đã đến núi Cả, sau này có tên là nứi Hy Cương, núi Nghĩa Lĩnh để thờ trời, mong mưa thuận gió hoà, thờ Thần núi cao và 3 ngọn núi Vặn, Trọc, Cả là 3 quả núi cấm tương đương với 3 bài vị hiện có trong đền thờ, mà tổ tiên ta đã để lại một chìa khoá cho con cháu tìm đến tổ tiên. Ngay buổi đầu, các Vua Hùng đã thờ các thần linh của nghi thức phồn thực cư dân nông nghiệp, đó là các tên phía trên, sau đó là 18 đời vua Hùng. Ngai chính giữa đã được ghi:
 
Đột ngột cao sơn
 
Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh. Vương thánh vị
 
Theo Ngọc phả Hùng Vương, 18 đời vua Hùng là :
 
1. Kinh Dương Vương, vị vua viễn tổ.
 
2. Lạc Long Quân, vị vua cao tổ.
 
3. Hùng Quốc Vương, húy là Lân Lang, vị vua mở nước.
 
4. Hùng Diệp Vương Bảo Lang.
 
5. Hùng Huy Vương Viên Lang.
 
6. Hùng Huy Vương (cùng hiệu với đời thứ 5) húy là Pháp Hải Lang.
 
7. Hùng Chiêu Vương Lang Tiên Lang.
 
8. Hùng Vi Vương Thừa Vân Lang.
 
9. Hùng Duy Vương Quốc Lang.
 
10. Hùng Uy Vương Vương Hùng Hải Lang.
 
11. Hùng Chính Vương Hùng đức Lang.
 
12. Hùng Vũ Vương đức Hiền Lang.
 
13. Hùng Việt Vương Tuấn Lang.
 
14. Hùng Anh Vương Châu Nhân Lang.
 
15. Hùng Chiêu Vương Cảnh Châu Lang
 
16. Hùng Tạo Vương đức Quân Lang.
 
17. Hùng Nghị Vương Bảo Quang Lang.
 
18. Hùng Duệ Vương Huệ Lang.
 
Gắn với từng đời Vua trong Ngọc phả có những sự kiện - truyền thuyết hay chính sử - tô đậm câu chuyện Vua Hùng. Đời Hùng Huy Vương phải đánh giặc Ân nên xuất hiện người anh hùng làng Gióng. Đời Hùng Duệ Vương có công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, hai vợ chồng cùng lập đạo Tiên là đạo xưa nhất ở nước ta. Và cũng đời vua này có câu chuyện chiến tranh Hùng-Thục, có cuộc hôn nhân Tản Viên - Ngọc Hoa, để sau đó là một loạt chuyện Tản Viên dạy dân các nghề, khiến cho đất nước ngày càng thịnh vượng...
 
5. Từ nguồn gốc tôn thờ đó mà từ đời này đến đời khác con cháu về đây hương khói để tưởng nhớ tổ tiên có công dựng nước với nền văn minh Sông Hồng nổi tiếng, tạo dựng nên cốt cách, phong tục con người Việt Nam. Trong thời kỳ bị thực dân Pháp thống trị, 18 tỉnh, thành miền Bắc đã đóng góp 6000 đồng Đông Dương đại trùng tu đền Hùng (từ 1918 đến 1922 thì hoàn thành) để lại các công trình kiến trúc như hiện nay.
 
6. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ rất quan tâm đến giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội nguồn dân tộc. Bác từ Thái Nguyên sang Đền Hùng nghỉ lại một đêm ở Đền Giếng, sáng ngày 19/9/1954 Bác gặp các chiến sĩ sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội và căn dặn bộ đội phải ghi nhớ công lao các Vua Hùng và trách nhiệm của các thế hệ hôm nay trong công cuộc bảo vệ đất nước. Bác nói:
 
Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước
 
Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
 
Các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và Việt kiều đã lên thăm Đền Hùng. Do tính chất quan trọng của khu di tích, năm 1963 Bộ Văn hoá đã xếp hạng di tích Quốc gia, năm 1967 Chính phủ quyết định xếp hạng khu rừng đền Hùng là rừng cấm quốc gia. Từ năm 1969, ngày hội đã có 40 vạn người đến, nhân dân quyên góp xây dựng công quán, nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương, đường điện, đường giao thông, hệ thống nước, sửa chữa đền miếu, trồng rừng cây sinh cảnh, tổ chức bảo vệ khu di tích và khu rừng cấm, tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia... đã làm cho Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành tâm thức, lẽ sống của người Việt chúng ta. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô hơn, dài ngày hơn và với nội dung phong phú hơn.
 
Quần thể kiến trúc Đền Hùng
 
Nói Đền Hùng là nói đến cả một quần thể kiến trúc đã được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Khu Đền trải rộng trên một đồi cao 175m so với mặt biển, cách thủ đô Hà Nội hơn 80 km về phía Tây Bắc, gồm có: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Tam Quan, chùa Thiên Quang, Đền Giếng và lăng mộ các Vua Hùng.

Từ dưới lên, đi qua cổng Tam Quan (xây dựng năm 1917). Cổng xây cao 8m10, riêng khoảng vòm cuốn cao 5m10, rộng 4m10. Nóc cổng có hình 8 mái, hai bên cánh gà là phù điêu hình hai võ sĩ cầm đao, cầm chùy để bảo vệ Đền Hùng.
 
Theo 225 bậc đi lên là đến Đền Hạ. Đền xây kiểu chữ‘’nhi”, ba gian và lợp ngói hoa văn thông dụng. Truyền thuyết nói đây là nơi Bà âu Cơ đẻ cái bọc trăm trứng nở ra trăm người con. Có lẽ hai chữ “đồng bào” xuất phát từ chỗ này. Hiện nay, đền Hạ vẫn thờ hai hòn đá tròn, đường kính khoảng 40 cm đặt giữa các long ngai, tượng trưng cho bọc trứng của Bà Âu Cơ.
 
Rời Đền Hạ, qua 168 bậc nữa ta đến Đền Trung, ở ngang sườn núi Nghĩa Lĩnh. Đền Trung thờ phụng các Vua Hùng và dòng dõi, có cả bệ thờ công chúa Tiên Dung, công chúa Ngọc Hoa. Theo truyền thuyết, nơi đây các vua Hùng và các Lạc Hầu thường đi lại ngắm cảnh, bàn việc nước với các Lạc tướng. Chính nơi đây, Lang Liêu đã dâng hiến Vua cha những chiếc bánh chưng, bánh dày do mình làm. Về sau, Vua Hùng thứ 6 đã truyền ngôi cho Lang Liêu cũng tại đây. Đền Trung được coi là trung tâm nước Văn Lang thời trước.
 
Tại gian giữa Đền Trung, treo bức đại tự: Hùng Vương Tổ miếu (miếu thờ Tổ Hùng Vương).
 
Gian bên phải, một bức: Triệu Tổ Nam bang (Tổ muôn đời của nước Nam).
 
Gian bên trái, một bức: Hùng Vương linh tính (vết tích linh thiêng của vua Hùng).
 
Đi tiếp 132 bậc, lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, ta gặp Đền Thượng. Đền gồm 4 nếp nhà liên hoàn theo 4 cấp cao dần chênh nhau 1m, đó là Chuông Trống, nhà Đại Bái, nhà Tiễn Tế, cung Thờ mỗi nhà rộng từ 3m8 đến 5m để làm nơi thờ phụng lễ bái, dâng hương các Vua Hùng.
 
Tục truyền, nơi đây Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc đã bay về trời, Vua Hùng cho lập đền thờ Vọng trên đỉnh núi. Về sau nhân dân đặt thêm bài vị thờ cúng Vua Hùng.
 
Nhà Chuông Trống, nổi lên 4 trụ biểu cao gắn hình con nghê, tường đắp tứ linh, trên mái xây “Lưỡng long tranh châu”. Trong nhà đặt một trống và một chuông, chuông đồng có niên hiệu Khải định thứ hai năm 1917.
 
Nhà Đại Bái làm kiểu quá gian kèo cầu, rộng 5m, nối liền với nhà Chuông Trống, dầm xà trơn thẳng, ghi niên hiệu Duy Tân trùng tu tháng 5/1914. Đặc biệt từ sau ngày 18/9/1954, Bác Hồ về nói chuyện với đại diện đại đoàn quân Tiên Phong (sư 308), câu nói của Bác được khắc trên bia trang trọng và đặt uy nghi giữa nhà Đại Bái. Bên cạnh, có nhiều câu đố ca ngợi phong cảnh đất nước như:
 
Thái thủy khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch
 
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn
 
(“Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông châu về đất nước.
 
Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi trông tựa đàn con”).
 
Hoặc có câu khẳng định chủ quyền dân tộc: “Thử địa thử sơn Nam quốc trú” (“Đất này, núi này bờ cõi nước Nam”).
 
Tại nhà Tiền Tế đặt một hương án, có một tráp thờ, bên trong đặt một triện gỗ hình vuông, khắc bốn chữ: “Hùng Vương tứ phúc”. Tại đây có 3 bức hoành phi, trong đó có câu: “Quyết sơ dân sinh” (“Dân sinh là điều quyết định đầu tiên”).
 
Tại Cung thờ đặt cỗ long ngai, thờ Tiên Dung và Ngọc Hoa. Theo dân gian truyền tụng, Hùng Vương thứ 18 trước khi nhắm mắt đã căn dặn dân làng thờ hai con gái bên cạnh Vua để họ luôn được ở bên cha.
 
Lăng Vua Hùng nằm cạnh trái Đền Thượng, rộng 50m2, nằm trên khoảng đất cao rợp bóng cây xanh, nhìn về hướng đông nam, kiến trúc theo hình khối vuông, trên có cỗ diêm 8 mái, đỉnh chóp đắp hình rồng uốn lượn, nổi lên 3 chữ khắc chìm: Hùng Vương Lăng (Lăng vua Hùng).
 
Trên mỗi mặt tường đều đắp mặt hổ phù, thành bậc đắp kỳ lân, cửa chính của Lăng nổi lên hai câu đối nói lên lòng thành kính tri ân của con cháu đối với tổ tiên:
 
Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà, non nước vẫn quay về đất tổ.
 
Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mộ Ông
 
Trong lăng là mộ. Mộ xây hình khối chữ nhật, dài 1m3, rộng 0m8, cao 1m. Ngay đầu mộ, một tấm bia nổi lên hai chữ: Biểu chính (lăng chính).
 
Truyền thuyết ghi lại rằng, trước khi băng hà, Hùng Huy Vương căn dặn: “Sau khi ta chết, hãy đem chôn ta trên núi Cả (núi Nghĩa Lĩnh). Ở đó ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu mai sau.” Người thời ấy đã làm theo di chúc của Huy Vương, đem thi hài Ông mai táng cạnh Đền Thượng.
 
Chùa Thiên Quang nằm trong khu vực đền thờ, về phía bên phải của đền thờ. Chùa làm theo kiểu chữ “công”, tiền đường năm gian, chính giữa là tam bảo ba gian, trên cao treo bức hoành phi mang dòng chữ: Thiên quang Thiên tự (chùa Thiên Quang).
 
Chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa. Hai gian bên phải thờ Thái hiền và Hộ pháp, nổi bật lên pho tượng Thánh Tăng tạc đứng. Ngoài ra, chùa còn thờ thổ địa trông coi toàn bộ đất đai, nhà  chùa, được tạc ngồi trên bệ với dáng hiền từ như một trưởng lão.
 
Bên trái chùa có tượng Nam Tào Bắc Đẩu ngồi chầu, bên cạnh là Hộ pháp khuyến thiện, phía trên là tượng Quan Âm và cạnh đó là một tấm bia ghi công đức Phật tử xây dựng chùa.
 
Tại chính điện và tam bảo, các tượng được sắp xếp khá hợp lý: Hàng đầu tiên là Tam thế, tiếp đó là Phật tổ đứng trên bệ hoa sen. Hai bên có Văn thù Bồ Tát và Phổ hiến Bồ Tát, kế tiếp là pho Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Tiếp nữa là Thích Ca sơ sinh. Thích Ca đứng giữa một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất với ý nghĩa “thượng thiên, hạ địa duy ngã độc tôn”. xung quanh tượng có 9 con rồng phun nước. Hàng cuối cùng là hai pho tượng Đế Thiên, Đế Thích, hai vị hộ trí Thích Ca hành đạo.
 
Trước cửa chùa có 2 cây tháp hình trụ, 4 tầng, trên nóc đắp hoa sen, lòng tháp xây rỗng, phía trong có một bát hương và một tấm bia nhỏ ghi tên những vị hoà thượng đã tu và tịch tại đây.
 
Đặc biệt chùa này có cây Vạn tuế cứ hai năm thì có thêm một vòng lá và tuổi thọ của cây chừng 700 - 800 năm.
 
Đền Giếng nép mình dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Từ sân lên tiền sảnh 3 gian rộng 4m và 3 cửa chính. Trên mái đắp Tứ linh - Long, Lân, Quy, Phụng; ở chính giữa có bệ thờ Nam Tào Bắc Đẩu. Chính giữa tiền sảnh là 3 bức đại tự đặt trên nền màu lam, viền vàng rõ nét:
 
Ẩm thủy tư nguyên (uống nước nhớ nguồn).
 
Nam quốc anh Hoàng
 
Sơn thủy kim ngọc
 
(ý nói núi sông quý báu như vàng ngọc).
 
Đền Giếng có Giếng Ngọc, tương truyền là nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường đến để soi gương vấn tóc. Giếng sâu khoảng 3 m, nước rất trong, quanh năm không bao giờ cạn.
 
* * *
 
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, trước bao biến thiên khắc nghiệt, Đền Hùng vẫn giữ được đường nét cổ kính, nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang bản sắc dân tộc. Nổi bật là, mỗi công trình đều hàm chứa nội dung huyền thoại hoà lẫn với hiện thực của dòng chảy lịch sử, quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau, làm giàu truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam.
CTV Sưu tầm


Tags:


Bài viết khác

Kế hoạch Trung thu 2024

Kế hoạch Trung thu 2024

Nhà trường tổ chức Trung thu năm 2024 cho thiếu niên, nhi đồng là con của viên chức, người lao động trong trường với nhiều

21/08/2024

Chương trình Sức trẻ đoàn viên của khoa GDTH

Chương trình Sức trẻ đoàn viên của khoa GDTH

Để khởi động Tháng thanh niên, khoa Giáo dục Tiểu học Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 tổ chức chương trình "Sức

10/03/2024

Khảo sát thông tin sinh viên ở ngoại trú

Khảo sát thông tin sinh viên ở ngoại trú

Chú ý, chỉ sinh viên ở NGOẠI TRÚ mới cần điền, sinh viên ở KÝ TÚC XÁ không cần điền.

12/10/2023

Đêm hội Trung thu 2023 - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Đêm hội Trung thu 2023 - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Tối 29 tháng 9 năm 2023 (15 tháng 8 âm lịch) tại hội trường 14-8 và giảng đường E, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

01/10/2023

Tổng hợp hoạt động vui Tết Trung thu năm 2023

Tổng hợp hoạt động vui Tết Trung thu năm 2023

Tổng hợp hoạt động vui Tết Trung thu năm 2023

31/08/2023

Chương trình chia sẻ kỹ năng quản lý sổ sách và tài sản trong hoạt động Đoàn

Chương trình chia sẻ kỹ năng quản lý sổ sách và tài sản trong hoạt động Đoàn

Nhằm thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng, đào tạo thành viên CLB Cộng tác viên  nói riêng và sinh viên tình nguyện

02/04/2023

Câu lạc bộ Cộng tác viên tiên phong trong công tác tự tập huấn, rèn luyện kỹ năng soạn thảo văn bản

Câu lạc bộ Cộng tác viên tiên phong trong công tác tự tập huấn, rèn luyện kỹ năng soạn thảo văn bản

Nhằm thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng, đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội của Đoàn trường ĐHSP Hà Nội 2;

30/03/2023

Bế mạc Giải bóng đá nam cán bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lần thứ XII

Bế mạc Giải bóng đá nam cán bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lần thứ XII

Chiều ngày 27/3/2023 vừa qua, tại sân vận động trường ĐHSP Hà Nội 2 đã diễn ra trận chung kết và Lễ bế mạc Giải bóng

27/03/2023