Mọi quốc gia, dân tộc, nếu muốn ngày một phát triển và không tụt hậu, thì nhất định không thể không quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng lực lượng kế cận. Tuy nhiên, nhận thức được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của vấn đề quan trọng này lại tuỳ thuộc vào từng quốc gia, dân tộc. Trước nhữngvận hội mới của đất nước, có dịp đọc lại những trước tác Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng, ôn lại những hồi ức và những kỷ niệm của các thế hệ thanh niên Việt Nam đã từng một lần được gặp Người càng thấy ý nghĩa lớn lao trước sự quan tâm của Người đối với thế hệ thanh niên Việt Nam. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy thiêng liêng và xúc động hơn trước lời căn dặn thiết tha, đầy trách nhiệm của người Cha già dân tộc trong bản Di chúc lịch sử: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1].
Thấu hiểu sâu sắc rằng, lịch sử là sự tiếp diễn, kế tục giữa các thế hệ và đòi hỏi phải có sự chủ động, chuẩn bị, vun trồng “tinh thần và lực lượng” một cách chắc chắn, cho nên, từ khi còn hoạt động bí mật cho đến khi trở thành lãnh tụ của một Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đánh giá một cách nghiêm túc, quan tâm một cách chu đáo đến vấn đề bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam. Dành nhiều tâm huyết cho thế hệ rường cột tương lai của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng và mong muốn tạo dựng đội ngũ cán bộ kế cận đầy sinh lực cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Bằng trái tim nóng của tuổi trẻ và những năm tháng thanh xuân sôi nổi, song cũng đầy gian truân của mình, người cộng sản Hồ Chí Minh đã nhận thức được vị trí và vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng một xã hội mới dân chủ và tốt đẹp. Vì vậy, sẽ không bất ngờ khi Hồ Chí Minh đánh giá đúng về thanh niên, tin tưởng vào thanh niên như Người đã từng tự tin vào chính tuổi trẻ, vào hoài bão lớn lao “giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân” của mình ngày nào. Luận giải được nội dung những luận điểm của Lênin: “Phải tổ chức và đoàn kết toàn thể thế hệ thanh niên, phải làm gương mẫu về giáo dục và lý luận trong cuộc đấu tranh này...mới có thể hoàn thành công cuộc xây dựng lâu dài của xã hội cộng sản chủ nghĩa”[2], từ khi còn hoạt động ở nước ngoài cho đến khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: Muốn thức tỉnh một dân tộc, muốn tiến hành một cuộc đấu tranh để giải phóng, thì trước hết phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Từ đó, Người đã đặt niềm tin tưởng vào thanh niên, coi vận mệnh của dân tộc, sự hưng thịnh hay suy vong của dân tộc Việt Nam tuỳ thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ thanh niên. Dường như bằng tất cả tấm lòng mình, bằng chính những hoạt động không mệt mỏi của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng loài người, Hồ Chí Minh đã “Gửi thanh niên An Nam” những lời nhắn nhủ: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[3].
Sau đó, vận dụng sáng tạo học thuyết Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cộng sản - bộ tham mưu lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã hướng vào thanh niên, đưa họ đến với cách mạng. Người quan niệm, “dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”[4]. Thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925) mà nòng cốt là Cộng sản đoàn, trực tiếp mở lớp huấn luyện chính trị, ra báo Thanh niên, đào tạo nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng ta và của phong trào cách mạng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần hoàn thành nhiệm vụ “thức tỉnh dân tộc” hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc trong những năm 20 của thế kỷ XX.
Đồng thời, cũng trong thời gian ở Quảng Châu (1924-1927), với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ, Người đã viết thư: gửi Uỷ banTrung ương thiếu nhi Liên xô và Thư cho đại diện đoàn Thanh niên cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên cộng sản, (22/7/1926) đề nghị giúp đỡ, để gửi một số thiếu niên Việt Nam trong số 7 thiếu niên do Người nuôi ở Quảng châu, sang Liên xô học tập, “để trở thành những chiến sĩ Lênin nít tí hon chân chính”, làm hạt nhân cho Đoàn thanh niên cộng sản sau này.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vấn đề thanh niên, bồi dưỡng lực lượng thanh niên đã được Đảng ta quan tâm chu đáo. Nghị quyết của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931) về việc tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản ra đời theo đề nghị của Hồ Chí Minh (dù lúc này Người vẫn đang hoạt động ở nước ngoài). Trong những năm tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thanh niên Việt Nam với tinh thần cách mạng, sự nhiệt tình phấn đấu, sự gan dạ và những tấm gương hy sinh dũng cảm trong tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc đã góp sức vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 lịch sử. Nước nhà giành được độc lập sau hơn 80 năm trời nô lệ đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, đồng thời cũng mở ra cho thế hệ trẻ một tiền đồ rực rỡ đi cùng với những nhiệm vụ nặng nề.
Tin yêu và hy vọng ở thế hệ thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” [5]. Để thanh niên có thể trở thành những người chủ xứng đáng, thực sự vừa hồng vừa chuyên để có thể hoàn thành những trọng trách mà cách mạng giao phó, bên cạnh việc tự trau dồi về mọi mặt của bản thân, thanh niên Việt Nam còn được Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm giáo dục, tổ chức, hướng dẫn tập dượt làm việc, từng bước trở thành một “lực lượng to lớn và vững chắc”, dũng cảm đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao.
Sinh thời, dù rất bận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên, Việt Nam, nhằm khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã hoàn thành, đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra những thiếu sót còn tồn tại. Người từng nói “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Trong Thư gửi thanh niên (4/1951), Người viết: “Huy hiệu của Thanh niên ta là: “Tay cầm cờ đỏ sao vàng”. ý nghĩa lớn lao của nó là: thanh niên phải xung phong là gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc”[6]. Mặt khác, trước những căn bệnh mà thế hệ thanh niên thường dễ mắc như: Thiếu thực tế, nóng vội, hình thức, hay bàng quan ỷ, v.v.., Chủ tịch Hồ Chí Minh thường có những chỉ bảo ân cần như chớ chủ quan, tự mãn,... Sẽ không ngẫu nhiên, khi Người chỉ ra và yêu cầu mỗi thanh niên gương mẫu, phải: Giữ vững đạo đức cách mạng; Xung phong trong mọi công tác; Cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi và rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, v.v..tại Đại hội đoàn Thanh niên toàn quốc lần thứ II (2/11/1951).
Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã khẳng định: Thanh niên Việt Nam đã cùng các bậc đàn anh, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, tre già măng mọc, góp sức làm nên những kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những Thanh niên Cứu quốc, Đoàn quân Nam tiến, đến phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, và giờ đây là Thanh niên lập nghiệp, Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè, Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v.. có thể thấy vai trò của thanh niên với sứ mệnh lịch sử: “lực lượng kế tục và phát triển những thành tựu cách mạng của cha anh” trong tiến trình cách mạng. Được sự quan tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, thanh niên Việt Nam đã đóng góp sức mình, phát huy vai trò “là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng”[7].
Từ những điều kiện cụ thể, những thế mạnh, sự hạn chế của lớp cán bộ cha anh và thế hệ thanh niên, để có sự đan xen giữa các thế hệ, để có thể nối tiếp nhau hoàn thành những trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: thái độ đúng đắn nhất của lớp cha anh đối với thanh niên là phải thương yêu, giúp đỡ, phải độ lượng và truyền kinh nghiệm cho họ. Còn thanh niên thì phải luôn kính trọng thế hệ già, luôn học hỏi ở các bậc đàn anh, ghi nhớ công lao và những gian khổ hi sinh của các bậc lão thành cách mạng. Đồng thời với việc đặt niềm tin ở thế hệ thanh niên, Người luôn mong muốn và tạo mọi điều kiện để thanh niên được chuẩn bị chu đáo, được học hỏi nhiều, tích luỹ tri thức cùng những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn. Người quan niệm “con hơn cha là nhà có phúc”, nên từng nói rằng: “Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt, thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt”[8]. Trong thực tiễn, Người đã quan tâm bồi dưỡng và sử dụng, sử dụng thường xuyên, để thực hiện sự xen kẽ, kế tục giữa các thế hệ cách mạng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Trước khi đi xa, Người đã dặn lại việc cần thiết phải đào tạo bồi dưỡng lớp người kế tục sự nghiệp của cha anh và hy vọng của Người là sự nghiệp đào tạo đó phải cung cấp được cho cách mạng Việt Nam một lực lượng kế cận hùng hậu, vừa hồng vừa chuyên, xứng đáng với yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng. Đó phải là “cánh tay phải và đội hậu bị vững mạnh” của Đảng.
Hơn lúc nào hết, công cuộc đổi mới đất nước, sự giao lưu, hội nhập của Việt Nam với bạn bè quốc tế khi đã chính thức trở thành thành viên của WTO, tất yếu sẽ đem đến cho thế hệ trẻ Việt Nam nhiều cơ hội tích cực và cùng với nó, là những thách thức khó lường. Sự phát triển về mọi mặt của đời sống chính trị, văn hoá - xã hội trong nền kinh tế thị trường sẽ tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên. Vì vậy, càng thấy giá trị nhân văn và ý nghĩa lớn lao trước những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên, đồng thời thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa chính trị của cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được triển khai sâu rộng trên địa bàn cả nước.
Suy ngẫm từ chính những việc làm cụ thể và những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh dành cho thế hệ thanh niên Việt Nam, hướng về ngày kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/2008), thiết thực kỷ niệm ngày sinh nhật Người (19/5/2008), các thế hệ thanh niên Việt Nam càng khôn nguôi nhớ lời Người tặng:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên./.
Tuổi trẻ Trường ĐHSP Hà Nội 2 hưởng ứng các hoạt động chào mừng 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất
28/04/2025
Đoàn viên, thanh niên Trường ĐHSP Hà Nội 2 nghiên cứu thể lệ, liên hệ cán bộ Đoàn cấp trực tiếp quản lý để được
18/04/2025
Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 có nguyện vọng tham gia đăng ký theo hướng dẫn của CLB Lý luận trẻ.
14/04/2025
Hướng dẫn đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
08/04/2025
Trong Tháng Thanh niên 2025, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức nhiều hoạt động
26/03/2025
28/02/2025
TTTĐ - Ngày 1/12, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ
18/12/2024
Hướng dẫn tuyên tuyền - giáo dục tháng 11 năm 2024.
04/11/2024
Ngày 26/10/2024, Đoàn Trường Đại Sư phạm Hà Nội 2 đăng cai tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội
26/10/2024